Lời tòa soạn: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Báo VietNamNet mở mục “Đóng góp ý tưởng Chuyển đổi số”, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, các nhân vật tiêu biểu và những câu chuyện cả thành công và chưa thành công của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp cũng như người dân trong hành trình chuyển đổi hoạt động lên môi trường số.
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết đóng góp của ông Trần Viết Quân, CEO Tanca.io, đơn vị cung cấp giải pháp quản lý nhân sự 4.0 với các tính năng như: Chấm công, tính lương nhân sự, với dữ liệu theo thời gian thực, nhằm phục vụ cho doanh nghiệp chuyển đối số.
Chúng ta cần nhìn nhận chuyển đổi số quốc gia là một quá trình dài hạn, có thể mất từ 10-20 năm. Nhưng điểm quan trọng để chuyển đổi số thành công là các quốc gia có nhiều sản phẩm, giải pháp có tiêu chuẩn toàn cầu.
Sau nhiều năm nghiên cứu và triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp chúng tôi thấy rằng, hầu hết các giải pháp hàng đầu tại các quốc gia ở Nam Mỹ hay Châu Âu có thể mở rộng ra môi trường toàn cầu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên toàn thế giới. Các sản phẩm từ Mỹ, Châu Âu hay Úc đã đạt trên tiêu chuẩn cao sau hơn 20 năm phát triển và được nhiều thị trường chấp nhận. Chúng tôi có thời gian khảo sát các nhà cung cấp dịch vụ tương tự Tanca tại Mỹ, hầu hết các doanh nghiệp ở đây sẽ lựa chọn các sản phẩm phần mềm được sản xuất tại Mỹ, Cananda, Úc hoặc Châu Âu.
Nhìn sang Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy các startup quốc gia này có thể đạt những mức đầu tư tỷ USD để tạo ra những sản phẩm có hàng trăm triệu người dùng. Tuy phát triển công nghệ sau Mỹ nhiều năm nhưng nước này đang đạt những tiến bộ đáng kinh ngạc cho hầu hết các giải pháp thông minh. Tôi nghĩ rằng để tạo ra các sản phẩm như vậy không chỉ có quỹ đầu tư mà còn từ chính sách, sự hỗ trợ rất nhiều từ nhà nước để xây dựng những sản phẩm và giải pháp như vậy.
Ở Việt Nam chúng ta dễ dàng thấy Zalo là ứng dụng OTT có chất lượng không thua kém nước ngoài đã thu hút hàng chục triệu người sử dụng, là kênh hỗ trợ rất tốt cho cả doanh nghiệp và nhà nước trong quá trình giao tiếp với khách hàng hay người dân.
Đối với lĩnh vực chuyển đổi số doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy rằng các công ty FDI tại Việt Nam chỉ ưu tiên chọn các giải pháp của nước họ hoặc chọn các giải pháp hàng đầu thế giới. Trong khi đó các doanh nghiệp lớn Việt Nam cũng tìm những giải pháp của các công ty hàng đầu trên thế giới như Microsoft, IBM… để sử dụng. Điều này cho thấy các giải pháp chuyển đổi số của nội địa vẫn còn khoảng cách với các sản phẩm này.
Tôi cho rằng nếu Việt Nam muốn chuyển đổi số thành công thì chúng ta chắc chắn phải có các giải pháp nội địa đạt tiêu chuẩn cao và đáp ứng nhu cầu của toàn thế giới. Bài toán đặt ra là liệu rằng trong 5-10 năm tới Việt Nam sẽ có bao nhiêu giải pháp công nghệ đạt tiêu chuẩn như vậy? Bao nhiêu startup sẽ tạo ra những sản phẩm thành công và kiếm được nhiều doanh thu từ quốc tế?
Chúng ta có lẽ đã xác định được những định hướng phát triển công nghệ cho tương lai, nhưng chúng ta cũng cần tìm cách huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cho 5-10 sản phẩm có chất lượng thế giới và không chỉ nhắm đến phục vụ cho người dân và doanh nghiệp trong nước mà còn để vươn ra toàn cầu.
Tôi nghĩ chúng ta có thể dành từ ngân sách nhiều hơn cho phát triển các công nghệ cho chuyển đổi số và startup. Nếu chúng ta có 200-500 triệu USD được đổ vào lĩnh vực này, cùng với sự hỗ trợ nhà nước sẽ có nhiều startup đi giải bài toán lớn hơn hiện tại.
Các quốc gia phát triển đã đi trước chúng ra nhiều năm, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không có cơ hội. Mà ngược lại cơ hội vẫn còn lớn khi thị trường có tới hàng tỉ dân và trăm triệu doanh nghiệp cần để phục vụ. Tôi tin tưởng rằng khi chúng ta thay đổi tầm nhìn về chuyển đổi số, tập trung đầu tư cho các startup giải pháp có tiêu chuẩn toàn cầu thì trong 5-10 năm tới sẽ có những sản phẩm phục vụ chuyển đổi số không thua kém Asana, Xoro, Gusto, Salesoforce, Hubspot… trên thế giới.