Trước khi trở thành thủ khoa và có việc làm ổn định trong ngành công nghệ thông tin (IT), Thiên Ngân từng thâu đêm suốt sáng hoàn thiện đồ án để phá vỡ định kiến ‘con trai lập trình giỏi hơn’ của giảng viên.

Từng trượt hết nguyện vọng
Nguyễn Đắc Thiên Ngân (21 tuổi) tốt nghiệp ngành kỹ thuật phần mềm Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM hồi tháng 9 với điểm trung bình 9,16. Kết quả này giúp cô trở thành nữ thủ khoa xuất sắc đầu tiên của một ngành có điểm chuẩn cao hàng đầu. “Tôi bất ngờ, nhưng chỉ vui trong thoáng chốc vì đây là một danh hiệu không ảnh hưởng đến sự nghiệp về sau”, Ngân chia sẻ.

Từng theo học tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), nữ sinh viên ban D luôn gây ấn tượng với bạn bè bằng những thước phim chuyên nghiệp tự quay và sự năng nổ khi tham gia các câu lạc bộ về nhiếp ảnh, truyền thông. Đó là lý do Ngân đầy trăn trở khi điền nguyện vọng ĐH nhóm ngành IT “trái sở trường” vì tin bản thân chưa đủ năng lực cũng như tài chính để đeo đuổi con đường nghệ thuật.


“Điều đặc biệt là tôi điền đại nguyện vọng vì lúc ấy không biết gì về lĩnh vực này, dẫn đến hậu quả trượt hết tất cả. May là trước đó, tôi có nộp ưu tiên xét tuyển ngành kỹ thuật phần mềm chương trình chất lượng cao nên đậu đúng một trường duy nhất, không còn đường lui”, nữ sinh viên từng đạt 3 năm học sinh giỏi THPT nhớ lại.

Cách học “mình phải làm được”
Bước vào giảng đường với thế mạnh xã hội chứ không phải tự nhiên như đa số bạn cùng lớp, Ngân được chị ruột đang làm cùng ngành động viên “không có ai dở, chỉ là chưa tìm đúng cách”. Nữ sinh viên vì thế thay đổi cách học “giao gì làm đó” ở những năm THPT thành chủ động nghiên cứu trước đề cương môn học để quản lý thời gian, tập trung đạt kết quả tốt nhất có thể.

“Mỗi lập trình viên đều đối diện với một bài toán lớn cần tìm hướng giải quyết. Lúc này, tôi không thể suy nghĩ như hồi THPT là khó quá bỏ qua, cho ai muốn 10 điểm làm. Nên có tư duy mình phải làm được, chia nhỏ vấn đề để xử lý từng chút một và khi gặp bế tắc thì học cách hỏi người khác, vì chúng ta không thể hoàn hảo tất cả”, nữ thủ khoa chia sẻ bí quyết.

Từng đạt 10 học bổng tại trường ĐH với tổng giá trị gần trăm triệu đồng, Ngân cho biết để có thành tích tốt, “nhóm bạn học tập” là điều không thể thiếu. “Các môn yêu cầu phải thực hiện nhiều đồ án cùng nhau, vì thế phải có nhóm học tập gồm những người bạn chung chí hướng. Kỹ năng làm việc nhóm cũng hữu ích cho công việc hiện tại của tôi”, cô khẳng định.

Tuy vậy, theo học trong ngành công nghệ với nam giới chiếm đa số, Ngân cũng từng “sốc văn hóa” khi bị phân biệt giới tính. “Thời gian đầu tại trường, thầy cô luôn ưu ái các bạn nam vì ai cũng nghĩ nam code (lập trình) giỏi hơn. Môn đầu tiên làm đồ án, thầy bảo chúng tôi chọn nhóm 3 người nhưng lưu ý ‘có con trai tốt hơn’, không nên nữ hết”, cô kể.

Chính câu nói ấy thôi thúc nữ sinh viên phải hành động để phá vỡ định kiến, và theo Ngân, cách duy nhất chính là chứng minh năng lực bản thân. “Thời gian đó, tôi code thâu đêm suốt sáng và luôn được người thân động viên. Đến cuối kỳ, bài đồ án đã đạt điểm 10 và được thầy khen rất nhiều”, cô tự hào, cho hay sự phân biệt chỉ là hiện tượng thiểu số, và “khi đi làm, mọi người chỉ quan tâm đầu ra của bạn”.

Được nhận vào vị trí kỹ sư phần mềm chính thức ở một công ty công nghệ trước khi tốt nghiệp, Ngân cho hay hiện cô đang lập trình giao diện người dùng (UI) của đồng hồ thông minh trên điều hành Android. Làm sao để chạy hiệu ứng tối ưu, mượt và đẹp trên phần cứng hạn chế là “bài toán” mà nữ sinh viên cùng các đồng nghiệp phải giải quyết thành công.

Thay mặt thần tượng làm việc tốt

Ngoài giờ làm việc nghiêm túc, nữ sinh viên thú nhận mình còn là “fangirl” (tức người hâm mộ nhiệt tình những người nổi tiếng) và điều này giúp cuộc sống cá nhân luôn tràn đầy cảm hứng.
Trên hành trình “đu” thần tượng ấy, nữ sinh viên cũng từng tham gia những hoạt động ý nghĩa như phát nước tiếp sức thí sinh trong cuộc thi tuyển vào lớp 10. “Tôi muốn thay mặt thần tượng làm những việc tốt và tương lai cũng muốn tiếp tục từ thiện dưới danh nghĩa của họ”, Ngân bật mí, chia sẻ thêm gia đình và bạn bè cũng là những chỗ dựa giúp cô vượt qua khoảnh khắc khó khăn.

Chia sẻ với những sinh viên ngành công nghệ, tân thủ khoa khuyên các bạn cần duy trì thói quen lập trình vì nếu chỉ dừng 1 tháng, khả năng sẽ ngày càng tụt giảm. “Nếu các bạn chưa có định hướng sẽ theo website, game hay app, hãy nghiên cứu roadmap (lộ trình phát triển của ngành) và thử hết sức mình. Đối mặt với những công nghệ mới, thay vì gò bó trong một vị trí cố định, phải sẵn sàng tự học và thích nghi”, Ngân nói.

Thạc sĩ Trần Anh Dũng, giảng viên khoa công nghệ phần mềm Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, nhận xét Thiên Ngân ham học hỏi, có khả năng tiếp thu cao và biết vạch ra mục tiêu phấn đấu rõ ràng với ý chí tốt.

“Thiên Ngân có lối sống giản dị, tham gia nhiệt tình các hoạt động ngoại khóa. Sinh viên cũng thể hiện khả năng nghiên cứu và áp dụng nhiều kiến thức, công nghệ hiện đại trong đề tài, được hội đồng chấm khóa luận đánh giá xuất sắc với điểm trung bình chung 9,4”, thạc sĩ Dũng cho hay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *